Đời sống của con người trên thế gian này vốn dĩ là một bức tranh muôn màu, muôn sắc, muôn vạn nẻo đường ngõ lối mà chúng ta đang đi, đã đi và sẽ đi. Trong bức tranh đầy phức tạp ấy, có những lúc con người muốn tìm một lối đi, một phương hướng để tương lai thoát khỏi sự ràng buộc của nghèo nàn, lạc hậu, những bế tắc rối bời trong tâm tư suy nghĩ và trong thực tại của đời sống. Từ đó, đôi lúc vội vã chọn những con đường đưa chúng ta đi với hy vọng rằng nó sẽ đưa đến kết quả tốt đẹp cho mình, cho người thân và cho mọi người xung quanh. Nhưng trớ trêu thay, con đường ấy, phương pháp ấy hay lối sống ấy lại dẫn dắt chúng ta đi vào ngõ cụt, đầy nỗi sợ hãi, lo âu, buồn rầu, bức bối và kết quả đầy khổ đau, ràng buộc.
Trong công cuộc truy tìm con đường thoát khỏi những nỗi đau khổ và khắc nghiệt của cuộc sống đầy sắc màu ma mị và huyền bí, có người cho rằng sở dĩ con người không thể thoát khỏi đời sống đầy đau khổ và phức tạp ấy vì là do sự sắp đặt và tạo hoá của một đấng quyền năng tối cao[1],… và cũng có quan niệm cho rằng đó chính là do số mệnh an bài[2],… bắt buộc đời sống của con người phải chấp nhận như vậy. Nhưng trong đó có một người không chịu chấp nhận số phận an bài hay chịu sự chi phối của một đấng tạo hoá, mà người ấy đã tìm được, thấy được, biết được bản chất thật của bức tranh, bản chất thật của vận hành của cuộc sống, và tìm ra được con đường để thoát khỏi đời sống đầy lo toan sợ hãi, bất công và tràn ngập khổ đau, người ấy chính là Thái tử Tất Đạt Đa (Siddhattha) hay Đức Thích Ca Mâu Ni Phật (Sakya Gotama Buddha).
Đường này đến thế gian
Đường kia đến Niết bàn
Tỳ kheo đệ tử Phật
Phải ý thức rõ ràng
Đừng đắm say thế lợi
Hãy tu hạnh ly tham.[3]
Thật vậy, cuộc sống của thế gian chỉ có hai con đường để chúng ta chọn lựa, đó là con đường của Niết ban an vui hạnh phúc và con đường của thế tục đưa đến buồn rầu và đau khổ hay sự vận hành của cuộc sống thế gian vui ít khổ nhiều.
Hãy tự mình làm chỗ nương tựa của chính mình, nương tựa với chánh pháp,
đừng nương tựa với một pháp nào khác.
Biết bao nhiêu người cũng đồng tâm trạng và lý tưởng muốn tìm hiểu nghiên cứu bản chất thật của đời sống này là gì và sự vận hành của nó từ đâu, mà sao cuộc sống của con người đầy dẫy sự sợ hãi và đau khổ ? Và tất cả chỉ lẩn quẩn trong quan niệm truyền thừa suy tư của các thế hệ truyền nhân đi trước trong sự bế tắc, để rồi áp chế và khẳng định với nhân loại rằng nó là như vậy, là sự sắp đặt của đấng toàn năng tối cao, là số mệnh. Nhưng trong đó Đức Phật (Buddha) người Giác Ngộ, người Tỉnh thức, người đã tận diệt tham sân si, đã đạt được giải thoát viên mãn, Ngài tuyên bố, truyền đạt con đường đã được thực nghiệm, thực chứng rằng con người là chủ nhân của sự hạnh phúc an lạc, giàu sang phú quý hay nghèo nàn lạc hậu, bần cùng khổ đau,….. chính con người tạo ra bằng suy nghĩ, lời nói, hành động và thừa hưởng kết quả ấy. Ngài bác bỏ các tín điều và đức tin mù quáng, khuyến khích tự do phân tích, khảo sát bằng những lời dạy chân thực “Này các Kàlama, đừng để bị dẫn dắt bởi những báo cáo, hay bởi truyền thống, hay bởi tin đồn. Đừng để bị dẫn dắt bởi thẩm quyền kinh điển, hay bởi lý luận suông, hay bởi suy lý, hay bởi sự xét đoán bề ngoài, hay bởi vì thích thú trong những lý luận, hay bởi những điều dường như có thể xảy ra, hay bởi ý nghĩ đây là bậc Đạo sư của chúng ta. Nhưng này các Kàlama, khi nào các ông biết chắc rằng những điều ấy là thiện, là tốt, hãy chấp nhận và theo chúng”[4]
Đức Phật không phải là đấng thần linh ban cho ta sự thay đổi hoàn cảnh hay tình trạng khốn đốn của mình. Đức Phật tuyên bố: “Như Lai chỉ là người chỉ đường, mỗi người phải tự đi đến, không ai đi thế cho ai được”. Công trình khơi mở kho tàng tri kiến Phật là công trình của mỗi cá nhân. Con đường tự lực ấy được Đức Phật dạy như sau: “Này các Tỳ kheo, hãy tự mình thắp lên ngọn đuốc của chính mình, thắp lên với chánh pháp, đừng thắp lên với một pháp nào khác. Hãy tự mình làm chỗ nương tựa của chính mình, nương tựa với chánh pháp, đừng nương tựa với một pháp nào khác”[5].
Con đường của Phật chính là con đường của tự lợi và lợi tha, với mục đích rất rõ ràng và thực tiễn trong đời sống của con người. Sự thiết yếu của tình thương và sự hiểu biết, sự thấu cảm và bao dung là chất liệu tạo nên gắng kết ngọt ngào giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên và vạn hữu. Bởi bản chất thật của đời sống là một sự quay cuồng trong đau khổ, mà chính con người do thiếu hiểu biết hay vô minh che đậy, để ba tố chất tham – sân – si tiêu khiển cuộc đời, để rồi làm cho chính mình phải đau khổ và người khác phải đau khổ, xã hội phải lao đao sầu muộn và bức bối.
Chúng sanh còn khổ thì đạo Phật còn vai trò và vị trí ở cuộc đời; đạo Phật thường được gọi là đạo từ bi, đạo cứu khổ. Ở đâu có đạo Phật, ở đó có tình thương, ở đó hận thù được hóa giải. Bởi lẽ phương châm tu tập của Phật giáo là từ, bi, hỷ, xả, còn gọi là Tứ vô lượng tâm. Người Phật tử lấy từ, bi, hỷ, xả làm nền tảng cho sự phát triển thánh hạnh; tâm từ bi được coi là tâm Phật. Trong quá trình truyền giáo, đạo Phật chưa bao giờ gây chiến tranh hay đổ máu, thông điệp tình thương cứu khổ, giúp đời đã được Đức Phật tuyên thuyết ngay từ thời kỳ sơ khai thành lập Giáo đoàn: “Này các Tỳ kheo, hãy du hành vì hạnh phúc cho quần chúng, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài người”[6].
Tâm từ là khả năng hiến tặng niềm vui cho tha nhân. Tâm bi là khả năng làm vơi đi nỗi khổ đang có mặt. Tâm hỷ là niềm vui, lòng thanh thản do từ bi đem tới. Tâm xả là thư thái nhẹ nhàng, tự do, không kỳ thị. Đức Phật dạy người Phật tử tu tập Tứ vô lượng tâm: “Vị ấy tâm an trú biến mãn một phương cho đến mười phương với tâm từ, bi, hỷ, xả quảng đại vô biên, không hận, không sân… đối với mọi hình thức của sự sống, không bỏ qua và bỏ sót một ai mà không biến mãn với tâm giải thoát cùng với từ, bi, hỷ, xả”[7]. Thương yêu đồng loại và vạn loại chúng sanh là chất liệu sống của đạo Phật.
Đây chính là con đường của đức Phật đã tìm ra, khai sáng và đã đi, chư Thánh đệ tử đã đi qua, trải qua hơn 2600 năm lịch sử. Con đường ấy rộng thênh thang và tự do vô hạn. Sự dấn thân hành Bồ tát đạo để cứu giúp cuộc đời thoát khỏi sự ràng buộc trong tham vọng, sân hận và u tối để đạt đến trạng thái bình an và hạnh phúc là mục đích tối hậu của Đạo Phật. Bởi lẽ, giáo lý đạo Phật là thiết thực, không mơ hồ, mang tính thực tiễn, có tác dụng cụ thể, không phải lý thuyết suông. Con đường của Phật chú trọng vào ngay trong đời sống hiện tại. Hiện tại có nghĩa là không chờ đợi kết quả của tương lai, có tu tập là có hướng thượng, có giải thoát ngay hiện tại, đời này. Vì vậy, giáo lý đạo Phật là giáo lý thực nghiệm, không chờ đợi một ân sủng hay một mặc khải nào. Đức Phật thường từ chối trả lời những câu hỏi về những vấn đề siêu hình. Ngài chỉ dạy những gì cần thiết cho cuộc đời, cho con đường thoát khổ. Vì rằng phần lớn những nỗi khổ của con người do họ không sống thật với hiện tại, họ thường nuối tiếc quá khứ, mơ tưởng tương lai; do đó, ý nghĩa của cuộc đời bị đánh mất:
“Do mong việc sắp tới
Do than việc đã qua
Nên kẻ nghi héo mòn
Như lá xanh lìa cành”[8]
Chính vì vậy, Đức Phật thường dạy chúng ta nên trở về ngay trong đời sống hiện tại vì nó quyết định cho đời sống hôm ngay và ngày mai.
“Đừng tìm về quá khứ
Đừng tưởng tới tương lai
Quá khứ đã không còn
Tương lai thì chưa tới
Hãy quán chiếu sự sống
Trong giờ phút hiện tại…”[9]
Trải qua hơn 2.600 năm kể từ ngày Đức Thích Ca Mâu Ni thành đạo và sơ chuyển pháp luân và truyền bá giáo pháp, khai sáng con đường tình thương và sự tỉnh thức, đạo Phật đã được thử thách, cọ xát với thời gian và không gian; giá trị, tác dụng của đạo Phật vẫn như xưa. Ngày nay, trước tiến bộ văn minh vật chất quá độ đã xô đẩy con người vào trong hố thẳm của tham vọng, hận thù. Chiến tranh vẫn diễn ra khốc liệt trên thế giới, nghèo đói, bệnh tật, thiên tai vẫn đe dọa đời sống của nhân loại. Càng văn minh, con người càng có nhiều nỗi lo lắng, sợ hãi mới: dịch bệnh, phân biệt chủng tộc, ô nhiễm môi trường, hủy diệt sinh thái, áp lực kinh tế xã hội đè nặng lên trên tâm trí của con người tạo nên ức chế tâm lý, băng hoại về đạo đức làm mất thăng bằng giữa đạo đức và hưởng thụ. Đạo Phật với con đường thoát khổ thiết thực, nhân bản, với phương châm từ bi hỷ xả xóa bỏ chấp thủ, hận thù sẽ tiếp tục sứ mệnh hóa giải khổ đau cho nhân loại.
Nhân mùa Thành đạo năm nay PL.2564 – DL.2020 chúng ta kỷ niệm ngày đức Thích Ca Mâu Ni thành đạo dưới cội Bồ đề, khai sáng ra con đường của giác ngộ tỉnh thức, con đường của lòng từ bi, thương yêu cứu khổ độ sanh và giải thoát mọi ràng buộc khổ đau. Bằng tâm lực và nguyện lực chúng ta hãy sống tỉnh thức và tinh tấn thực hành giáo pháp của Phật nhằm đem lại lợi ích thiết thực cho bản thân, cho người thân và cho cộng đồng xã hội. Đó chính là đóng góp, sự biết ơn và đền ơn một cách tối thượng và đúng nghĩa nhất. Trong kinh Đại Bát Niết Bàn thuộc Trường bộ kinh, Đức Phật dạy rằng: “Thành tựu chánh pháp và tuỳ pháp, sống chơn chánh trong Chánh pháp, hành trì đúng chánh pháp, chính là kính trọng, tôn sùng, đảnh lễ, cúng dường Như Lai với sự cúng dường tối thượng”. Do đó, tự thân của mỗi người con Phật phải tự thân nỗ lực thực hành hạnh nguyện tự lợi và lợi tha của mình, con đường Bồ tát đạo chính là con đường đi đến cội Bồ đề vĩnh cửu và thiêng liêng trường tồn bất diệt mà chúng ta đang đi, sẽ đi và với niềm tin bất thối chúng ta sẽ đến được cội Bồ đề vĩ đại.
Hòa thượng Thích Minh Thiện
_________________________________________
[1] Theo quan niệm của một số thì cuộc sống của con người là do Phạm thiên (Braman), Trời, Thánh tạo ra.
[2] Theo quan niệm của Lão giáo và Nho giáo thì cuộc sống của con người là do số mệnh an bài.
[3] Kinh Pháp Cú, kệ 75.
[4] ĐTKVN, Kinh Tăng Chi I, Phẩm Kalama, HT. Thích Minh Châu Dịch, VNCPHVN ấn hành 1991, tr.325.
[5] ĐTKVN, Kinh Trường Bộ I, Kinh Đại Bát Niết Bàn, HT. Thích Minh Châu Dịch, VNCPHVN ấn hành 1991, tr.663.
[6] Đại phẩm Mahavasa
[7] ĐTKVN, Kinh Trường Bộ I, Kinh Đại Duyên, HT. Thích Minh Châu dịch, VNCPHVN ấn hành 1991, tr.554
[8] ĐTKVN, Kinh Tương Ưng I, HT. Thích Minh Châu dịch, VNCPHVN ấn hành 2000.
[9] ĐTKVN, Kinh Trung Bộ I, HT. Thích Minh Châu dịch, VNCPHVN ấn hành 2000.
(Theo Chuyên đề Hoằng Pháp 4, Ban Hoằng Pháp Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam tỉnh Khánh Hoà)