Xây Dựng Nền Tảng Giáo Hội

PLO: Tham luận kỷ niệm 40 năm thành lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam và 38 năm thành lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam tỉnh Long An – Thích Minh Đức.

Giáo hội Phật Giáo Việt Nam (Vietnam Buddhist Sangha) đã trải qua 40 năm thành lập và phát triển (1981-2021) không phải là khoảng thời gian quá dài, nhưng đã đủ đánh dấu một bước ngoặc quan trọng với dòng thời gian lịch sử Phật giáo Việt Nam. Sự hình thành ấy là sự tiếp nối kế thừa và phát huy tinh hoa bao đời của Phật giáo gắn bó hòa quyện đồng hành, sống còn cùng dân tộc Việt Nam hơn 2000 năm xây dựng, bảo vệ giữ gìn và phát triển đất nước.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đời là sự kết tinh trí tuệ, là nguyện vọng chân chính của Tăng Ni, Cư sĩ Phật tử các tổ chức Giáo hội, Hội, Hệ phái Phật giáo trong cả nước, là chủ thể kế thừa lịch sử hàng ngàn năm của Phật giáo Việt Nam[1].

Đây cũng chính là sự kế thừa tiếp nối truyền thống hơn 2560 năm của Tăng đoàn Phật giáo với mục đích vì lợi lạc hạnh phúc cho số đông, vì an lạc hạnh phúc cho chư thiên và nhân loại.

Qua 40 năm hình thành, phát triển song hành cùng đất nước, Giáo hội Phật Giáo Việt Nam đã thành tựu nhiều Phật sự quan trọng, tạo dấu ấn sâu đậm trong lòng dân tộc, trong hệ thống chính trị Việt Nam và cộng đồng Phật giáo trên thế giới. Sự thành tựu ấy chính là tinh thần hòa hợp đoàn kết trong tổ chức Giáo hội, sự lãnh đạo sáng suốt của Chư tôn đức giáo phẩm và lòng tôn kính nhiệt tình ủng hộ của Tăng Ni, tín đồ Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước.

Ngày nay, đất nước đang chuyển mình và phát triển mạnh mẽ, sự văn minh tiến bộ của khoa học kỹ thuật công nghệ làm cho xã hội có nhiều chuyển biến thay đổivề nhận thức, tư duy về đời sống thực tại; đặt biệt là đời sống tinh thần, nhu cầu chánh tín tâm linh khoa học của con người Việt Nam trong thời kỳ hội nhập và phát triển ở thế kỷ 21.

Trước sự thay đổi và phát triển của đất nước, của cộng đồng xã hội, Giáo hội Phật giáo Việt Nam bên cạnh những thành tựu đã đóng góp cho đạo pháp và dân tộc, còn tồn tại và phát sinh một số vấn đề nội tại đã  gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự hưng thịnh của Tăng đoàn và tổ chức. Do đó cần phát huy tốt hơn nữa những ưu điểm và thành quả đã đạt được, đồng thời cũng cần mạnh mẽ thay đổi, kiện toàn và xây dựng nền tảng Giáo hội vững chắc, từ đó thực thi “Lý tưởng giác ngộ chân lý, hòa hợp chúng, hòa bình và công bằng xã hội của giáo lý Đức Phật, nhằm phục vụ Dân tộc, Tổ quốc và nhân loại chúng sinh, là tôn chỉ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam[2].

  1. Sự vận hành của Giáo hội trong thời đại mới.

         Kể từ khi thành lập tới nay, GHPGVN đã trải qua VIII kỳ Đại hội và nhiều giai đoạn phát triển song hành cùng với xã hội, Giáo hội đã và đang kiện toàn xây dựng hệ thống tổ chức pháp lý, pháp nhân ngày thêm chặt chẽ thông qua Hiến chương, điều lệ và các nội quy hoạt động của từng ban, ngành, từng lĩnh vực, và có sự đồng bộ thống nhất từ trung ương đến địa phương. Đồng thời, luôn cập nhật và phát huy tối ưu hoá công nghệ số vào trong công tác quản lý, điều hành, thông tin truyền thông của tổ chức Giáo hội và hoằng dương Phật pháp.        

Phật giáo Việt Nam đã trải qua bao thăng trầm thịnh suy của lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, chiến tranh đã đi qua, nhưng hệ quả của nó để lại không nhỏ trên đời sống của người dân Việt Nam. Sau năm 1975 thống nhất đất nước, nước ta đang trên đà hội nhập và phát triển, đời sống người dân ngày càng sung túc và thịnh vượng, đời sống của Tăng Ni, tín đồ Phật tử cũng không còn cơ cực và khó khăn như trước. Từ đó nhu cầu tín ngưỡng tâm linh, nếp sống đạo đức tinh thần trở nên cần thiết và phát triển cao hơn.

         GHPGVN cũng đã vận hành đúng hướng với những chủ trương, đường lối và nguyện vọng khi thống nhất các tông môn, hệ phái, các chi hội Phật giáo tiền thân để thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đây là một trong những sự kiện trọng đại của Phật giáo nước nhà và cũng là niềm tự hào đối với Tăng Ni, Phật tử trong và ngoài nước. “Mục đích của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là hoằng dương Phật pháp, phát triển Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong nước và ở nước ngoài, tham gia xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, phục vụ dân tộc, góp phần xây dựng hòa bình, an lạc cho thế giới[3].

         Sự vận hành của tổ chức Giáo hội chính là sự bảo hộ, quản lý và điều hành mọi sinh hoạt tu học của Tăng Ni, đồng bào Phật tử trong sự chi phối của pháp luật nhà nước, sống tu tập và hành đạo đúng với thuần phong mỹ tục, nếp sống đạo đức và giới luật của Phật giáo, phù hợp và bắt kịp với thời đại.

  1. Đời sống và hành đạo của Tăng Ni trong thời hiện đại

         Về đời sống của Tăng Ni ngày nay có nhiều thay đổi với đời sống các thời kỳ trước. Từ khi Phật giáo du nhập vào Việt Nam vào khoảng thế kỷ thứ I trước công nguyên, tu sĩ Phật giáo vẫn giữ đời sống du hành khất thực hoá duyên để tiếp độ và giáo hoá quần chúng nhân dân. Đến thời nhà Lý – nhà Trần với chính sách tôn kính Phật, tôn trọng hình ảnh Tăng Ni và tránh tình trạng phức tạp lợi dụng hình ảnh tu sĩ Phật giáo, nhà nước quy định và khuyến khích Tăng Ni nên ở tại chùa tu tập và hoằng pháp, không thực hiện nghi thức đi ra ngoài khất thực, mọi lương thực, thực phẩm sẽ được tín chủ đem đến chùa cúng dường, hoặc cấp ruộng đất cho cơ sở tự viện để Tăng Ni tự canh tác. Từ đó đến nay trải qua hơn 10 thế kỷ, với nhiều thể chế chính trị, Phật giáo Việt Nam vẫn giữ được truyền thống Tăng Ni, tu sĩ Phật giáo an trụ trong các cơ sở tự viện Phật giáo để tu tập và hoằng dương chánh pháp, tuy không có một quy định cụ thể nào rõ nét nhưng điều đó gần như là mặc định hiển nhiên.

Với sự ra đời của GHPGVN, đời sống tu tập và hành đạo của Tăng Ni từng bước đi vào nề nếp và ổn định. Các trường đào tạo Phật học từ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng và học viện Phật giáo được khai mở trên cả nước để đào tạo Tăng tài, nâng cao trình độ Phật học cũng như trình độ về thế học, số lượng Tăng Ni trong nước ngày một tăng lên rõ rệt. Các cơ sở tự viện trong cả nước được khôi phục trùng tu xây dựng lại khang trang, rộng rãi uy nghiêm; bên cạnh đó có những nơi cơ sở tự viện được thành lập mới,…. nhằm đáp ứng nhu cầu tu học Phật pháp ngày càng đông của Tăng Ni và đồng bào tín đồ Phật tử. Đây chính là thành quả, công sức to lớn, dấu ấn 40 năm thành tựu và phát triển của Giáo hội

Phật giáo đã trải qua hơn 2560 năm lịch sử, đã và đang lan toả rộng khắp các quốc gia lãnh thổ trên thế giới, mang thông điệp từ bi, trí tuệ, hoà bình và vô hại, hoá giải hận thù bằng tình thương và xoa dịu bao nỗi khổ niềm đau, mang hạnh phúc đến cho nhân loại. Hình ảnh hiền từ oai nghiêm thiền vị, lối sống giản dị thanh đạm, đạo đức trí tuệ của Đức Phật và Tăng đoàn đã in đậm vào trong tâm khảm bao đời của nhân loại khi nói về đạo Phật. Đây chính là giá trị cốt lõi, tính chất đặc biệt của Phật giáo mà nhân loại quay về nương tựa, tìm đến học hỏi, nghiên cứu, thực hành và biểu dương.

Song hành với sự phát triển ngày một rộng lớn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, của Tăng đoàn trên mọi phương diện, trong đó vẫn còn tồn tại và phát sinh những nguy cơ tiềm ẩn gây phương hại không nhỏ đến thanh danh và uy tín của tổ chức Giáo hội, làm ảnh hưởng đến hình ảnh thánh thiện Tăng đoàn và đặc biệt làm lung lay, tác động rất lớn đến niềm tin của đồng bào tín đồ Phật tử trong và ngoài nước. Lịch sử Phật giáo các nước Tây Á là bài học minh chứng điển hình, nếu những thực trạng ấy không được nghiêm túc nhìn nhận.

  1. Xây dựng nền tảng vững chắc

Ngay từ những ngày tháng đầu tiên sau khi chứng thành đạo quả giác ngộ giải thoát, Đức Thế Tôn đã thiết lập Tăng đoàn, mở đầu bằng sự quy ngưỡng Phật pháp của năm anh em tôn giả Kiều Trần Như, nhóm bạn đồng tu khổ hạnh này đã trở thành những thành viên đầu tiên của Tăng đoàn Phật giáo. Từ đó Tăng đoàn phát triển dần thành một hội chúng đông đảo.

Đặc biệt nhất là khi Đức Thế Tôn chấp thuận cho nữ giới xuất gia và trở thành Tỳ kheo ni thuộc Tăng đoàn của Phật giáo. Sự xuất hiện của Tăng đoàn Phật giáo gây tiếng vang rất lớn trong xã hội, làm thay đổi hệ thống tư tưởng triết học, tôn giáo đương thời. Bên cạnh đó là sự xuất hiện của mọi giai tầng xã hội trong Tăng đoàn Phật giáo đồng nghĩa với việc Đức Thế Tôn thực hiện một cuộc cách mạng xã hội: xóa bỏ quan niệm phân biệt giai cấp và giới tính, quan niệm hẹp hòi sai lầm đã ngự trị lâu đời trong xã hội cổ đại khiến con người đau khổ không lối thoát.

Về mặt Giáo hội, Tăng già là rường cột, là nhân tố không thể thiếu của Phật giáo. Vì thế, Đức Thế Tôn đặc biệt chú trọng đến việc hoàn thiện từng cá nhân trong Tăng đoàn. Ngài chưa nhập Niết-bàn khi chúng Tỳ kheo và Tỳ kheo Ni chưa thành tựu Giới-Định-Tuệ, chưa đủ khả năng truyền bá chánh pháp ở đời[4]. Điều này nói lên rằng, Đức Thế Tôn đã xác định rất rõ rằng Tăng đoàn là những người thay thế Ngài nối truyền ngọn đèn Chánh pháp ở thế gian, nhưng với điều kiện đó là Tăng đoàn thanh tịnh gồm những thành viên đã và đang nỗ lực trên con đường phạm hạnh. Chỉ có sự hưng thịnh của Tăng đoàn thì Phật giáo mới thăng hoa theo chiều lịch sử. Sự tồn tại của Tăng đoàn thanh tịnh là sự tồn tại của Chánh pháp.

Sự phát triển của Tăng đoàn như mạch nước ngầm ngấm sâu vào lòng đất để nuôi sống vạn vật cỏ cây. Điều này cũng có nghĩa là nếp sống Giới-Định-Tuệ của những thành viên trong Tăng đoàn đã thực sự len lỏi trong từng nhịp sống của con người và xã hội, mà lịch sử đã chứng minh điều ấy. Hạnh phúc thay khi được dự vào hàng ngũ của Tăng đoàn. Cuộc sống là dòng chảy với muôn mối duyên sinh nên không thể có một cá nhân nào tồn tại độc lập mà không liên hệ với cộng đồng. Vì thế, mặc dù con đường giải thoát là phải tự mình cất bước những bước đi của tâm linh âm thầm, đơn độc… nhưng chúng ta phải luôn có mối quan hệ mật thiết với Tăng đoàn. Sinh hoạt với Tăng đoàn là nét nổi bật của vị Tỳ kheo đệ tử Phật. Làm sao để Tăng đoàn hưng thịnh, luôn luôn là chỗ dựa tinh thần cho mọi người, mọi giới, cũng như lòng mong mỏi thiết tha Chánh pháp được trường tồn.

3.1. Xây dựng lý tưởng cho Tăng Ni.

Ngày nay, số lượng Tăng Ni tu sĩ Phật giáo trên thế giới rất đông với nhiều tông phong, pháp phái và mang nhiều hình sắc khác nhau tuỳ vào quốc gia, vùng lãnh thổ, tuỳ vào truyền thống tư tưởng. Điều đó tạo lên một bức tranh Phật giáo hưng thịnh, phong phú đa sắc màu.

Riêng Phật giáo Việt Nam là một trong những quốc gia có hình sắc Phật giáo đặc biệt nhất trên thế giới với nhiều tông môn, hệ phái: Nam tông, Bắc tông, Khất sĩ, Mật tông….. nhưng đều sống chung tôn trọng, hoà hợp nhau như nước với sữa cùng nhau thực hiện lý tưởng giác ngộ chân lý, hòa hợp chúng, nỗ lực tu tập tự thân, sống đời đạo đức thánh hạnh, nhằm phục vụ Dân tộc, Tổ quốc và nhân loại chúng sinh. Đây chính là sự thành công to lớn của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam.

Vì vậy, việc xây dựng Tăng Ni có một lý tưởng vững chắc về nỗ lực giác ngộ tự thân, vì đạo pháp, vì sự hạnh phúc an lạc cho nhân loại, ý thức được mình chính là điểm tựa tinh thần, là tấm gương lành đạo đức sáng suốt cho đời, là bậc thầy hướng đạo cho quần chúng nhân dân,…. là điều cần làm trước tiên nhất của các cấp Giáo hội trong thời hiện đại, đặc biệt nhất là đối tượng Tăng Ni trẻ.

Một hiện trạng thực tế đang diễn ra hiện nay mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp đang đối diện đó là sự lệch lạc về lý tưởng giác ngộ giải thoát, lệch lạc về đường lối tu tập và hành đạo của một số Tăng Ni trong cộng đồng Phật giáo. Thái độ bất tuân thủ tổ chức Giáo hội Tăng đoàn,  tự ý lập am cốc không theo hướng dẫn của tổ chức, hay có những trường hợp vì danh lợi và sự hưởng thụ quá đà,… đã đánh mất đi những nền tảng đạo đức căn bản của một người tu sĩ Phật giáo, làm ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh của Giáo hội Tăng đoàn Phật giáo Việt Nam.

Chính vì thế, việc lựa chọn người cho xuất gia, thọ đại giới,…. bước vào hàng ngũ Tăng đoàn khi xưa, Đức Phật và Chư lịch đại Tổ sư rất chú trọng đến  lý tưởng của xuất gia và đã quy định rất rõ ràng trong Luật tạng, trong đó Quy Sơn Cảnh sách, Khuyến phát Bồ đề tâm văn là những bản văn quy định xây dựng lý tưởng cho người xuất gia điển hình.  Ngày nay, phép chọn người xuất gia và cho thọ giới làm Tỳ kheo, Tỳ kheo ni có phần dễ dàng và ít chú trọng đến tố chất[5] và hình tướng[6] của người tu sĩ Phật giáo như thời Phật và chư Tổ sư đã làm. Có một số nơi cho xuất gia và thọ giới đối với những trường hợp đáng lẽ không được làm điều đó nhưng với quan niệm “thôi kệ”, thọ giới “gieo duyên” hay phát tâm xuất gia đi tu được là quý rồi “có còn hơn không”, “ngày nay tìm người đi tu khó lắm”…… đây quả thật là những quan niệm có phần dễ dãi, chúng ta tuỳ duyên chứ không “tuỳ tiện”. Đây chính là nguyên nhân đưa đến sự suy yếu của Phật pháp, khi những người được truyền trao kế thừa không đủ tầm, không đủ sức và không đủ đạo đức trí tuệ để giữ gìn Phật pháp.

3.2. Xây dựng nền tảng trí thức

Trí tuệ là nền tảng của đạo Phật “duy tuệ thị nghiệp”, lấy trí tuệ làm sự nghiệp, thành tựu trí truệ hay còn gọi là giác ngộ đây chính là thành tựu sự nghiệp lớn nhất, vinh quang nhất, vĩ đại nhất của người tu sĩ Phật giáo. Tuy nhiên, để thành tựu được tuệ giác thấy rõ các pháp không phải một sớm một chiều hay ai đi xuất gia tu hành cũng có thể đạt được. Sự thành tựu ấy đòi hỏi phải trải qua một thời gian nỗ lực trui rèn học tập và tích lỹ kiến thức căn bản từ thấp đến cao, khi đó mới làm cơ sở và nền tảng cho sự phát triển nhận thức bậc cao và thúc đẩy tâm thức tiến lên sự hiểu biết chơn chánh toàn diện.

Phật giáo Việt Nam trải qua 40 năm phần nào đã thành tựu về hệ thống trường Phật học, nơi đào tạo Tăng Ni có đủ trình độ căn bản về Phật học và kiến thức nền của xã hội, để đáp ứng sứ mệnh hoằng hoá trong xã hội hiện đại.

Một xã hội, hay một quốc gia được gọi là văn minh, xã hội phát triển, đều lấy nền tảng tri thức, đạo đức làm thước đo căn bản. Chính vì xã hội có nhận thức và tri thức cao mới là tác nhân chính làm cho đất nước và xã hội đó phát triển. Sự phát triển của quốc gia hay tổ chức tỷ lệ thuận với trình độ học vấn, đạo đức của mỗi cá nhân trong cộng đồng, quốc gia hay tổ chức đó.

Đối với Tăng Ni tu sĩ Phật giáo Việt Nam rất có duyên lành về học tập và rèn luyện tri thức. Hầu như các tỉnh thành trong cả nước đều có trường Phật học để đào tạo, truyền trao kiến thức Phật pháp cho Tăng Ni, từ trường sơ cấp Phật học đến cao nhất là Học viện Phật giáo;  nhưng số lượng Tăng Ni theo học ở các trường Phật học vẫn còn khiêm tốn so với sống lượng Tăng Ni trong danh bộ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Còn đối với các cấp học cao hơn như Thạc sĩ, Tiến sĩ, du học nước ngoài, hình như các tổ chức Giáo hội chưa thực sự quan tâm về chương trình học tập, cũng như quản lý, giám sát đời sống của Tăng Ni ở nước ngoài.

Đồng thời thiết nghĩ, Giáo hội nên có những chính sách, khuyến khích, tạo duyên hỗ trợ tích cực cho Tăng Ni có tâm nguyện, có khả năng thực sự trong chương trình du học. Vì có một thực tế rằng tổ chức Giáo hội không thể đứng ngoài quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng. Đây chính là từng bước xây dựng nền tảng của Giáo hội ngày thêm vững chắc.

3.3. Xây dựng nền tảng Đạo đức

Nền tảng Đạo đức chính là yếu tố vô cùng quan trọng cho mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Khái niệm Đạo đức trong xã hội được ước định là sự chân thật, thiện lành, là những gì tốt đẹp nhất, hiền từ nhất, là sự tôn trọng, là sự từ bi, yêu thương, là sự giúp đỡ,….. là Chân – Thiện – Mỹ. Người được xã hội xem là đạo đức chính là người không phá vỡ đi những quy luật tự nhiên của xã hội, những quy ước hay nguyên tắc tốt đẹp của cộng đồng.

Nền tảng Đạo đức trong đạo Phật chính là sự nghiêm trì Giới luật, tuân thủ các quy định, các nội quy sinh hoạt của Tổ chức Giáo hội, đồng thời tôn trọng pháp luật nhà nước. Giới và Luật của Phật chính là thước đo, là khuôn phép của người con Phật. Vì thế để xây dựng nền tảng đạo đức của hàng ngũ xuất gia, Giáo hội cần phải thực thi nghiêm Giới luật, các quy định của Giáo hội đã quy định.

Mọi tổ chức xã hội đều do con người dựng nên và số phận thịnh suy của nó tùy thuộc vào con người. Dĩ nhiên có rất nhiều yếu tố đóng vai trò quyết định nhưng con người vẫn là yếu tố then chốt. Con người có tốt thì tổ chức mới vững mạnh.  Thấy được nguyên nhân đưa đến sự thịnh suy của các pháp, Đức Phật đã đưa ra bảy phương pháp[7] để giúp Tăng đoàn luôn sống hoà hợp và thời thời hưng thịnh.

Giáo hội hay Tăng đoàn được cường thịnh, không suy giảm là vấn đề luôn được quan tâm, thực thi từ thời Thế Tôn còn tại thế và liên tục cho đến ngày nay. Trong đó, các yếu tố đoàn kết, hòa hợp và thanh tịnh của chúng Tăng phải được đặt lên hàng đầu trong mọi hoạt động Tăng sự, nhằm giúp Tăng đoàn phát triển vững mạnh. Đây là vấn đề có tính chất sống còn, là vận mệnh của Tăng già đã được kiểm chứng qua lịch sử tồn tại và phát triển của Phật giáo.

Nền tảng của chất lượng Tăng già là sự hoàn thiện tự thân của mỗi Tỷ kheo cùng với sự đoàn kết, hòa hợp và thanh tịnh của Tăng chúng. Để góp phần làm cho chúng Giáo hội hay Tăng đoàn được hưng thịnh, không bị suy giảm, mỗi thành viên và mọi tổ chức của Tăng già phải ý thức sâu sắc lời Phật dạy về Bảy pháp bất thối.Cần nhanh chóng đưa Bảy pháp này làm đề mục quán niệm đồng thời phải áp dụng triệt để tinh thần Bảy pháp ấy trong tu tập, đời sống và sinh hoạt Tăng già. Đây chính là nền tảng mà Giáo hội ngày nay cần phải xây dựng.

  1. Giữ gìn giá trị cốt lõi

         Tăng già trong ý nghĩa đầy đủ của ngôi Tam Bảo như một cây cổ thụ thân to, tàng rộng dù đã bao lần thay lá đổi cành vẫn sum xuê tươi tốt. Đó chính là nhờ nhựa sống mãnh liệt thanh tịnh và hòa hợp giúp cây tiếp tục tồn tại bằng cách truyền dẫn các dưỡng tố khắp thân cây. Nhựa sống ấy lại được nuôi dưỡng từ phẩm hạnh của những thành viên trong Tăng đoàn.

Lịch sử vốn vô tư khách quan, không để cho ai ở ngoài dòng chảy của nó. Thế nhưng, những gì không còn phù hợp với giá trị đạo đức và không đem lại hạnh phúc cho con người thì sẽ bị lịch sử bỏ lại bên lề. Về mặt này, Tăng đoàn Phật giáo hơn hai mươi lăm thế kỷ nay luôn xuôi dòng cùng lịch sử, là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho muôn triệu người phương Đông rồi dần đến phương Tây. Bởi lẽ dù trải qua bao thăng trầm của thời cuộc, Tăng đoàn Phật giáo vẫn giữ đúng vai trò của mình: Thực hành giữ gìn Chánh pháp và phổ biến Chánh pháp đến cuộc đời, nhằm giúp mọi người thông hiểu Phật pháp và sống theo Chánh pháp để hướng đến cuộc sống hạnh phúc an ổn. Do vậy, công cuộc dấn thân vào đời để truyền bá Chánh pháp là nhiệm vụ trọng yếu của Tăng già.

Thế nhưng song song với việc dấn thân hoạt động đó, mỗi người phải tự hoàn thiện mình, phải có sự thâm hậu của nội lực. Chính yếu tố thứ hai này làm nền tảng, cơ sở cho sự dấn thân, và là mạng mạch, là sự sống còn của Phật pháp, như đức Phật đã từng dạy: “Nếu các Tỳ kheo lo kiềm hãm tâm để tu hành thì cõi thế gian này quả vị A La Hán không bao giờ mất hẳn”[8]. Nói cách khác, Chánh pháp có tồn tại hay không còn tùy thuộc vào sự tu hành của đệ tử Phật. Cho dù cách xa Phật hàng ngàn năm, các Tỳ kheo vẫn chuyên tâm tu hành đạt quả vị vô thượng thì Chánh pháp vẫn hiện hữu ở đời .

Ngoài ra, chúng ta cần lưu ý rằng, tổ chức Giáo hội cũng chỉ là một xã hội thu nhỏ của xã hội, cho nên tổ chức xã hội thu nhỏ này phải hoạt động nhịp nhàng với tầng số hoạt động của xã hội hiện hành, nếu làm ngược lại chỉ đem đến bất ổn, có khi nguy hại đến đoàn thể và bản thân mình. Đức Phật không cần chống lại các trào lưu đương thời, Ngài có con đường riêng, “con đường trung đạo”, nhờ đó mà giáo pháp của Ngài được tồn tại và phát triển.

Trong lịch sử, nhân loại đã thực hiện nhiều cuộc cách mạng, cải cách trên nhiều lĩnh vực nhằm ổn định cuộc sống cho con người và thiết lập hòa bình thế giới. Những sóng triều cách mạng ấy hầu hết đều hướng ra bên ngoài, tất cả đều thiên trọng về cải tiến đời sống vật chất và trào lưu ý thức hệ. Điều đó càng làm cho dục vọng thêm lớn, sân hận thêm nhiều, là tác nhân của nguồn gốc khổ đau. Họ chưa quan tâm nhiều đến cuộc cách mạng chân chính có thể thay đổi được thực trạng của cuộc sống. Đó là cuộc cách mạng hướng vào bên trong, cuộc cách mạng tâm linh, cách mạng với chính mình.

Hơn bao giờ hết, lời dạy của đức Phật có giá trị biết bao trong vấn đề cải cách này, cải cách và hoàn thiện con người năm uẩn còn nhiều tham lam, thù hận và si mê… thì mọi việc sẽ đi dần vào ổn định. Thế cho nên, xã hội công nghệ dù có phát triển đến đâu chăng nữa, thì những điều căn bản cho nếp sống phạm hạnh của Tăng đoàn vẫn thế, vẫn diệu dụng và mang tính thích thời. Thiết nghĩ, chúng ta không cần ưu tư quá nhiều về việc cải cách hay đưa ra những phương pháp mới lạ để xây dựng một tập thể phạm hạnh phù hợp với xã hội đương đại, mà hãy cùng nhau trở về suối nguồn uyên nguyên của Diệu pháp để thực hành và thể nghiệm đời sống tâm linh một cách thiết thực nhất.

Nếp sống phạm hạnh của Tăng đoàn Phật giáo luôn tỏa sáng rực rỡ suốt hơn hai mươi lăm thế kỷ qua, giờ đây vẫn chưa phải muộn màng để chúng ta thực hiện nếp sống ấy hầu xây dựng một tập thể xuất gia vững mạnh: Vị tỳ kheo sống có Tín tâm, có Tàm, có Quý (chính là nền tảng đạo đức), Đa văn (nền tảng tri thức), Tinh tấn, Chánh niệm (nền tảng của sự tu tập) và Trí tuệ (giá trị cốt lõi) thì hội chúng có nhiều sinh lực, Chánh pháp được duy trì. Hơn nữa, theo tinh thần duyên khởi của đạo Phật, con người cá nhân và xã hội là một khối nhất thể. Do đó, con người cá nhân được hoàn thiện thì xã hội sẽ được cải thiện một cách tự nhiên. Đây là sự đóng góp tích cực nhất của Tăng đoàn Phật giáo đối với xã hội.

___________________

[1] Trích Lời nói đầu Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam

[2] Trích Lời nói đầu Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam

[3] Điều 6, chương II, Hiến chương GHPGVN tu chỉnh lần thứ VI

[4] Narada Maha Thera, Đức Phật và Phật Pháp, nxb Tôn Giáo 2005, trang 236

[5] Tâm tánh chân thật, có lý tưởng lớn, lý tưởng thoát tục

[6] Đầy đủ lục căn, trượng phu

[7] Kinh Trường Bộ I, Kinh Đại Bát Niết Bàn, phần Chúng Tăng Cường Thịnh, VNCPHVN, 1991, tr.547

[8] Kinh Tương Ưng IV, chương 1, phẩm Rắn độc, phần Hỷ lạc, NXB Tôn Giáo, 2001, tr.288

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *