Đạo Tràng Pháp Lưu: Khóa tu “Ngày An Lạc”

Chủ Nhật tuần đầu tiên của tháng âm lịch là ngày các phật tử trở về Đạo tràng Pháp Lưu tham gia tu tập “Ngày An Lạc” cùng đại chúng. Đây cũng là những kỳ tu tập quan trọng giúp chúng ta nuôi dưỡng và phát triển Bồ đề tâm, hạn chế những tâm thức tiêu cực bất thiện, phát triển tâm từ bi thiện lành trên lộ trình tu tập tâm linh giải thoát.

Quang cảnh chùa Pháp Lưu sáng sớm khởi đầu khóa tu “Ngày An Lạc” mùng 1 tháng 11 năm Giáp Thìn.
Đảnh lễ Tam Bảo nơi Chánh điện Chùa Pháp Lưu. Nguyện cầu Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật chứng minh gia hộ.

Trì tụng Kinh Phổ Môn trong khóa tu, cầu nguyện Quan Thế Âm Bồ tát gia hộ thân khỏe tâm an, gia đình hòa hợp, vượt qua các nghịch cảnh trong cuộc sống.
“Do sức niệm Quan Âm. Cừu oán đều lui tan”
Chúng con cũng nguyện tu học theo hạnh của Ngài, lắng nghe thấu cảm nỗi khổ niềm đau của tha nhân, học hạnh vị tha cứu giúp muôn loài.

Cuộc sống của chúng ta như Đức Thế Tôn đã dạy, luôn chịu sự chi phối của vòng nghiệp lực nhân quả của mỗi cá nhân và cộng nghiệp của cộng đồng quốc độ mà chúng ta sinh sống. Để có đời sống an lành, mỗi cá nhân phải chuyển hóa những điều chưa tốt của tự thân bằng cách tu tập theo lời Phật dạy, vì “tu là chuyển nghiệp”, chuyển hóa lời nói, hành động và suy nghĩ theo hướng thiện lành, tích cực. Sự chuyển hóa của mỗi cá nhân cũng là cách đóng góp tích cực nhất cho sự thay đổi phát triển của cộng đồng, xã hội và quốc độ.

Đạo tràng Pháp Lưu trong thời lễ trì tụng Kinh chú, nhất tâm niệm Phật hiệu trong khóa tu “Ngày An Lạc”, vào 1 tháng 11 năm Giáp Thìn – 2024.
Trì tụng Kinh chú, Lời Phật dạy để chuyển hóa thân tâm trên bước đường tu.
Kinh hành niệm Phật, chánh niệm tỉnh giác trong từng bước chân.
“Mỗi khi tâm buồn giận lo phiền, nguyện nhiếp niệm trở về hơi thở.”

“…mỗi bước chân đi vào Tịnh độ.”

Chú nguyện tạ ơn trước khi thọ thực dùng trưa nơi trai đường Chùa Pháp Lưu trong khóa tu.

Niềm tin chân chánh sẽ phát sinh công đức, đây là nhân thiện lành, cũng là nguồn năng lượng tâm linh từ sự gia hộ của Chư Phật, giúp cho chúng ta vượt qua mọi sự trở ngại trong cuộc sống và trên con đường tu tập. Với lòng chánh tín, kính tin Tam Bảo sẽ giúp hành giả tu học Phật khai mở tâm, khắc ghi lời Phật dạy, thuận lợi và tiến bộ trên lộ trình tu tập, cảm nhận được sự nhiệm mầu của Phật Pháp trên lộ trình chuyển hóa, từ đó mang tâm niệm nhớ ơn Tam Bảo, phát khởi niềm tin bất thối, cảm nhận được niềm hạnh phúc bình an trên con đường mình đang đi và luôn đem đến lợi ích cho mọi người.

Sư Phụ trụ trì thuyết giảng kinh trong khóa tu “Ngày An Lạc”
“Duy Tuệ Thị Nghiệp” đó là phương châm của Đạo Phật qua muôn đời, Đức Phật dạy chúng ta phải lấy trí tuệ làm sự nghiệp, là phương châm tu đạo và hành đạo.

Tỉnh thức, Giác ngộ và Giải thoát là sự nghiệp của mỗi cá nhân hành giả tu học theo Phật dù hành trì theo phương pháp nào. Phản quan tự kỷ luôn soi xét quán chiếu tâm mình, chánh niệm hành trì thiền định giúp cho hành giả tỉnh thức trong mọi hoàn cảnh loạn động bên ngoài.

Thân vững tâm an, từng hơi thở vào ra trong chánh niệm.

Phật tử hành thiền trong khóa tu

Ý dẫn đầu các pháp. Để làm chủ ý thì chúng ta phải quan sát tâm mình

…và quan sát tâm mình bằng cách tu tập thiền định

Nương tựa vào sự gia hộ của Chư Phật và lực của đại chúng trong sự hòa hợp thanh tịnh, chúng ta đi như một dòng sông.
Cội Bồ đề vẫn mãi hòa quyện vào lòng đất mẹ, vẫn luôn xanh tốt tỏa bóng mát cho đời.

Theo tính duyên khởi vô ngã mà Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã dạy, tất cả mọi sự vật hiện tượng đều không ‘tự thân’ mà tồn tại độc lập, con người  cũng vậy, khi còn mang thân ‘tứ đại’ này (thân người do đất, nước, gió, lửa hợp thành mà tồn tại) thì chúng ta cũng phải nương vào nhân duyên, phương tiện mà hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau, cùng nhau hòa hợp tu học “Tín, Hạnh, Nguyện” của con đường Bồ tát đạo ngõ hầu đạt được sự bình an của nội tâm, từ đó kiến tạo một cuộc sống gia đình hạnh phúc và một xã hội thanh bình thịnh vượng.

Đạo tràng Pháp Lưu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *