Pháp Lưu: Lễ Sám Hối Rằm Tháng 10 Hạ Nguyên Giáp Thìn

Trong kinh Đức Phật dạy rằng, trong đời có hai hạng người rất là hi hữu, đáng quý. Một là người không phạm lỗi lầm, hai là người phạm lỗi, gây nghiệp bất thiện nhưng biết ăn năn, sám hối.

Chúng ta là những phàm nhân đang tu tập, thực hành theo lời Phật dạy, sao có thể không phạm phải những lỗi lầm gây tổn hại khổ đau cho người và vật, từ đó tạo nghiệp nhân khổ đau cho chính mình.

Quan Âm Các – Chùa Pháp Lưu

Vâng theo lời Phật dạy, vào chiều tối ngày 14 và 29 âm lịch truyền thống hằng tháng, Phật tử vân tập trở về Đạo tràng chùa Pháp Lưu, nương vào gia lực của Tam Bảo, tham dự thời lễ sám hối.

Theo lời Phật dạy, chúng ta không chỉ sám hối các tội lỗi để tiêu trừ và chuyển hóa nghiệp chướng trong kiếp sống này mà còn sám hối các lỗi lầm do vô minh mà gây tạo trong nhiều kiếp sống trước đây.

Nam Mô Đại Từ Đại Bi Quan Thế Âm Bồ Tát
Chùa Pháp Lưu đêm 14 Rằm Hạ Nguyên tháng 10 trong thời Lễ Sám Hối

Sám là ăn năn lỗi trước. Hối là chừa phạm lỗi sau. Sám hối là khởi tâm ăn năn hối hận tội lỗi mình đã gây tạo trong hiện tại và quá khứ, nay một lòng thành tâm nguyện cầu Phật gia hộ, tu tập chuyển hóa thân, khẩu, ý để không tạo phạm lại nữa.

Phật đài Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni nơi Chánh điện chùa Pháp Lưu.
Sư Phụ Trụ trì thuyết giảng trong Lễ Sám Hối
Đạo tràng Pháp Lưu thính pháp trong ngày sám hối Rằm tháng 10 Hạ Nguyên.

Có duyên lành gặp được Phật pháp là phước, hữu duyên nghe được Lời Phật dạy còn phước báo hơn.

Đạo tràng Pháp Lưu nương theo pháp Sám hối Hồng Danh, cùng đại chúng một lòng thành kính thiết tha cung đối trước Phật đài, xưng tán Hồng Danh Chư Phật, thân tâm đều quy ngưỡng đảnh lễ tác pháp sám hối.

Thắp nén tâm hương trước Phật đài, nguyện cầu Chư Phật gia hộ trong Lễ Sám Hối tối 14 Rằm tháng 10, nơi Chánh Điện chùa Pháp Lưu.
Đạo tràng một lòng thành tâm hướng về Phật đài, phát khởi lòng thành tín tâm Tam Bảo.

Sám hối về thân, khẩu và ý. Thân tạo sát nghiệp vô số với sinh linh, tranh  đoạt những thứ không thuộc về mình,…. Khẩu thì “nói không thật, nói hai chiều, nói thêu dệt gây chia rẽ bất hòa, nói ác gây tổn thương đau khổ cho người”. Ý thì “tham, sân, si mê tà kiến lầm lạc khởi tạo nhân khổ đau”.

Chí thành chí kính xưng tán Hồng Danh Chư Phật.
Một lòng tha thiết đảnh lễ cầu xin sám hối.

Để tiến tu trên con đường tâm linh ngăn ngừa tạo các nghiệp bất thiện, hành giả tu Phật cần nỗ lực phát triển thực hành Tứ Vô Lượng Tâm: Từ, Bi, Hỷ, Xả. Sống tử tế với tha nhân, trung thực với người. Có lòng trắc ẩn, lòng thương với đời. Hoan hỷ, hân hoan với những điều tốt đẹp và sự thành công của người. Sống bình thản, thư thái và vị tha.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật chứng minh gia hộ.
Chúng con nguyện đời đời sinh ra được gặp Phật pháp, thiện hữu tri thức, Thầy lành bạn tốt.

Trên con đường tìm cầu giải thoát khổ đau, để không gây tạo những nghiệp nhân nặng nề, và để có sống đời sống an lành, hành giả tu học đại thừa phải phát khởi niềm tin kiên cố về lời Phật dạy. Niềm tin về sự gia hộ của Chư Phật và Bồ tát. Không điều gì có thể phá hủy được khi ta có chánh kiến,  hiểu rõ Bốn Sự Thật cao quý. Bất thối chuyển trên con đường Bồ tát đạo, tự lợi và lợi tha làm cho chính mình và người đều được an lành, lợi ích.

Đạo tràng Pháp Lưu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *