PLO: “Tu cho mọi người” là một phần trong Nói Với Người Xuất Gia Trẻ của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.
Tu cho mọi người
…. Còn gia đình? Còn xã hội? Người xuất gia không lẽ chỉ lo cho một mình thôi sao! Sự kiện ta đang sống với tư cách của một người xuất gia trong tăng thân và sự kiện mỗi giây phút ta đang thực tập vững chãi, thảnh thơi và hạnh phúc đã bắt đầu có tác dụng lập tức trên đời sống của gia đình ta và của xã hội ta rồi. Quý vị nào đã xuất gia, đã tu tập thì cũng đã chứng thực được điều đó. Trong chiếc áo của một người xuất gia, nếu ta đi được từng bước chân thảnh thơi, nếu ta ngồi được vững chãi, nếu ta tu học có hạnh phúc với tăng thân, thì dầu gia đình ta có đang bị rối rắm hay lung lay đến mấy cũng sẽ bắt đầu an định trở lại, tuy ta chưa trực tiếp làm gì cho gia đình ta cả.
Cái quý nhất mà người xuất gia có thể hiến tặng cho gia đình là sự an lạc, vững chãi và thảnh thơi của mình, là tuệ giác và đạo đức của mình, chứ không phải gởi tài vật về mà gọi là giúp được gia đình. Những người xuất gia có hạnh phúc luôn luôn trở thành vị lãnh đạo tinh thần của gia đình mình; các vị có uy tín tinh thần, các vị có khả năng giải quyết được những hiện tượng rối rắm, chia rẽ, xung đột hay lung lay của gia đình các vị. Điều đó đã được chứng tỏ liên tiếp từ trường hợp này đến trường hợp khác. Ta ngồi yên đó, có vững chãi và thảnh thơi thì gia đình ta sớm muộn gì cũng sẽ được chuyển hóa, huống hồ là ta trực tiếp can thiệp vào bằng những pháp môn tu học. Còn nếu ta ăn không yên, ngồi không vững trong chiếc áo tu của ta thì gia đình ta sẽ còn tiếp tục lộn xộn. Khi trông thấy một người tu, một sư chú, một sư cô, vững chãi, thảnh thơi, đi đứng nhẹ nhàng, khoan thai và an lạc, những người ngoài xã hội đã bắt đầu cảm thấy ấm lòng, trong trái tim của họ bắt đầu có tin tưởng và hạnh phúc…