Kinh Pháp Cú, Phẩm Phật Đà, Câu 183
Bao hàm tất cả những lời dạy của Đức Thế Tôn cho hàng đệ tử xuất gia và tại gia tựu trung Đức Phật chỉ dạy cho chúng ta thấy được kiếp nhân sinh khổ đau, sự luân hồi bất tận của chúng sinh trong vòng nghiệp quả.
Chúng ta thường khó kiểm soát được ý nghĩ, lời nói, hành động của chính mình mà những điều này sẽ làm phát khởi việc thiện lành hay bất thiện, đem bình an hạnh phúc đến cho mình và người hay gieo rắc sự khổ đau cho tha nhân và muôn loài chúng sinh.
Ý nghĩ, lời nói và hành động bất thiện phát sinh từ tam độc tham sân si sẽ gây ra nhiều hệ lụy khổ đau cho chính mình và xã hội, đây có thể gọi là “các điều ác” mà Đức Phật đã khuyên bảo chúng ta tránh xa và không nên làm.
Sau khi chỉ dạy cho chúng ta thấy được sự khổ đau và nguyên nhân đưa đến khổ đau đó, Đức Phật đã chỉ một con đường, con đường mà Ngài và bao đời Chư Phật đã đi, con đường hướng thượng, con đường Bồ tát đạo, siêng năng học hỏi các Bậc thánh hiền, tinh cần làm các điều tốt điều thiện, không hại vật hại người, vun trồng và nuôi dưỡng công đức thiện nghiệp để mang lại niềm vui bình an cho muôn loài, các việc làm này có thể gọi là “các việc lành” mà Đức Phật đã khuyên dạy chúng ta nên vâng làm và giữ gìn cho tăng trưởng.
Đức Thế Tôn cũng thường dạy rằng “ý dẫn đầu các pháp”, chúng ta sẽ trở thành tương tự điều mà chúng ta thường suy nghĩ. Thoát khỏi khổ đau hay không, thánh hiền hay phàm phu đều do tâm mà ra, và trong kinh cũng dạy rằng “vạn pháp duy tâm tạo”, tất cả các hiện tượng hiện hữu, thuận duyên hay nghịch cảnh khổ đau đều có nguồn gốc phát khởi từ tâm ý. Vì vậy “tâm ý” là nhân tố quan trọng quyết định cuộc sống của mỗi cá nhân. Với tâm ý thiện lành trong sạch, con người sẽ có đời sống hướng thượng tốt đẹp trong hiện tại và vị lai, từng bước thoát khỏi mọi loại khổ đau ràng buộc.
Thích Huệ Chơn