“Ý dẫn đầu các pháp, ý làm chủ, ý tạo”. Khi tâm sinh khởi một ý, thì ý niệm đó sẽ dẫn đầu, làm chủ, khởi tạo cho các điều tiếp theo, mà điều tiếp theo ở đây chính là lời nói và hành động. Tâm ý, lời nói và hành động sẽ tạo ra thiện nghiệp hay bất thiện nghiệp, từ đó sẽ đem đến an lạc, bình an hay khổ não, đau buồn trong đời sống con người.
Cho nên Đức Phật dạy rằng nếu với ý ô nhiễm, khi nói ra hay hành động điều gì thì khổ sẽ bước theo sau như bánh xe luôn lăn theo chân con vật kéo xe không thể tách rời. “Ý ô nhiễm” là tâm ý vô minh, không có chánh kiến, không thấy được Bốn Chân Lý cao quý, tâm ý bị khuấy động bởi tham sân si do đó khi nói sẽ không có chánh ngữ, có thể nói thô tục, không kiểm soát được lời nói của mình, nói ác gây ra khẩu nghiệp làm khổ đau cho nhiều người, gây bất an cho gia đình và xã hội. Và hành động cũng thế, nếu với tâm ý ô nhiễm thì hành động không đúng với chánh nghiệp, hành động gây phương hại cho người và chúng sanh, gây tổn hại cho gia đình, cộng đồng xã hội. Và điều tất yếu sẽ xảy ra đó là khổ não sẽ bước theo sau không cách gì ngăn trở được.
Và tiếp theo Đức Thế Tôn cũng dạy rằng nếu với ý thanh tịnh, thấy được Bốn Chân Lý cao quý, chế ngự được tham sân si thì luôn ái ngữ từ hòa trong giao tiếp với mọi người, hành động trong sự tỉnh thức không gây thương tổn đến môi trường đời sống xã hội. Khi đó niềm an lạc hạnh phúc sẽ đến gắn liền với cuộc sống như bóng thì không thể rời khỏi hình được.
Tâm ý như Đức Phật đã chỉ dạy là hết sức quan trọng, quyết định đời sống của con người ở hiện tại và vị lai. Để được có tâm ý thanh tịnh, mỗi cá nhân chúng ta phải nỗ lực tích đức hành thiện, từng bước chuyển hóa tâm thức bằng các phương pháp tu tập, siêng năng học hỏi giáo lý, thực hành thiền định như một món ăn tinh thần trong đời sống thường nhật. Nhận chân được tính vô ngã, không có gì là riêng biệt, độc lập thường còn vĩnh cửu.
Thích Huệ Chơn